Từ sự phát hiện tình cờ...
Trong chuyến công tác gần đây, ông Đinh Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Thắng Ngân (tạm coi là "chủ nhân" của hang Mã Tuyển), đưa chúng tôi đi "tham quan" di chỉ khảo cổ quan trọng này. Hang Mã Tuyển cửa rộng hơn 6m, cao 4,5m, vòm rộng 6,5m, nhìn về hướng đông bắc. Phần đuôi hang hình chữ L, mở ra một vòm hang rất rộng.
Ông Thắng kể: Tháng 5/2008, sau khi khảo sát sơ bộ, UBND huyện Mường Khương đã cho phép công ty của ông khai thác, sử dụng hang Mã Tuyển làm hầm chứa rượu.
Cũng xin kể một chút căn nguyên của việc Công ty TNHH Thắng Ngân quyết định đầu tư vào hang Mã Tuyển. Với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là thương mại và dịch vụ, nhưng từ lâu, ông Giám đốc Đinh Văn Thắng lại có sở thích đặc biệt sưu tầm các loại rượu của vùng cao.
Ngay thời điểm hiện tại, khi bước chân vào nhà ông, khách cảm thấy choáng ngợp trước bộ sưu tập đủ loại rượu ngâm các loại động thực vật của miền ngược. Mường Khương từ lâu vẫn nổi tiếng bởi có loại rượu ngô. Để rượu thơm ngon, người dân thường cho vào chum mang hạ thổ. Rượu thượng hạng phải chôn dưới giọt gianh (chỗ nhỏ nước từ trên mái nhà), càng để lâu càng quý...
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, ông Đinh Văn Thắng có tham vọng xây dựng một thương hiệu rượu ngô Mường Khương. Không có điều kiện như ở các nước phương Tây có cả những hầm rượu sâu hàng chục mét dưới mặt đất, lưu trữ những loại rượu hàng trăm năm tuổi, ông Thắng nghĩ ngay đến lợi thế miền núi, đó là tìm những cái hang để cải tạo, biến thành nơi cất giữ rượu ngô.
Sau khi rà soát kỹ càng, đặc biệt qua lời kể của các bậc cao niên ở Mường Khương, Đinh Văn Thắng "nhắm" đến hang Mã Tuyển. Nói là hang, nhưng lúc bắt tay vào khảo sát, hang bị đất lấp, cây cối mọc chẹn kín toàn bộ cửa hang, lòng hang chỉ có một cái ngách vừa lọt một người nhỏ con.
Hóa thạch răng voi răng kiếm phát hiện tại hang Mã Tuyển.
Nhưng khi mở rộng lòng hang được khoảng gần 3m, tại vị trí này, ông Thắng và đám thợ thấy đất khá tơi xốp và ẩm ướt, dùng xà beng chọc mạnh, thấy thụt sâu. Đoán chắc lòng hang sẽ rất rộng, ông đã thuê mấy chục nhân công, tiến hành đào và chuyển đất ra. Ngay cả khi đã tiến hành công việc được mấy tháng, chính ông và đám thợ cũng không hề biết, đang được tiếp cận đến một "kho báu" khảo cổ học quý giá.
Lớp đất được bóc tách đã dần hé lộ một cái hang đẹp, nhiều cột nhũ đá óng ánh, hình dáng kỳ thú, lòng hang rộng, nền khá bằng phẳng. Khi vào sâu khoảng trên 50m, đám thợ phát hiện thấy các tầng đất xốp, có nhiều mảng đá vôi, thoạt trông hơi giống các cây san hô.
Ban đầu, những người thợ cũng dửng dưng nhặt lên, rồi lại ném lên thùng xe công nông chở đi đổ. Sau này, dân công bóc tách được cả một mảng "san hô" lớn, dài đến 0,5m, rộng chừng 30cm, có hình thù lạ, thì ông Giám đốc Thắng có linh cảm một điều gì đó. Ông Thắng gom nhặt những mảng "san hô" còn nguyên vẹn, nặng độ chục kilôgam, đem về nhà, với ý định bày trong tủ cho đẹp!?.
Đầu năm 2009, một người bạn của ông đến nhà chơi, thấy bày nhiều "cây san hô" lạ, đã ngỏ ý xin một vài cây mang về nhà làm cảnh. Hữu duyên thế nào, tết năm Kỷ Sửu, ông Đỗ Văn Chung, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lào Cai đến nhà người bạn ông Thắng chúc tết, nghi vấn đây là xương hóa thạch, nên đã mượn lấy mẫu gửi về Viện Khảo cổ học. Kho báu bí mật hàng chục vạn năm tuổi của hang Mã Tuyển được phát hiện tình cờ như thế...
... đến những phát hiện khoa học gây xôn xao dư luận
Cuối tháng 4/2009, Đoàn công tác của Viện Khảo cổ học do bà Tiến sĩ (TS) Nguyễn Kim Thủy dẫn đầu đã phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh Lào Cai, Phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Mường Khương tiến hành thị sát và khảo sát sơ bộ hang Mã Tuyển.
Tại khu vực cách cửa hang về phía trong khoảng gần 100m, các nhà khảo cổ đã tiến hành thám sát một hố rộng khoảng 7m2. Kết quả khảo sát cho thấy, có nhiều trầm tích, dấu tích của các xương hóa thạch tìm thấy chủ yếu ở khu vực giữa hang. Lớp đất có độ kết cấu mềm, ẩm ướt, rất có thể lớp đất ở đây được hình thành bởi dòng suối chảy vào trước đó (?).
Cho đến nay (1/2010), theo kết quả nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam, bước đầu đã hé mở những bí ẩn về điều kiện cổ sinh thái, về sự quần cư của động vật có vú, cũng như về lịch sử tiến hóa của bộ có vòi từ hàng vạn năm qua trên đất nước ta.
Hóa thạch tại hang Mã Tuyển có đến 13 họ của 6 bộ quần động vật rất quý hiếm, như: Bộ linh trưởng (Primates), bộ có vòi (Proboscidea), bộ ăn thịt (Canivora), bộ guốc ngón lẻ (Perissodactyla), bộ guốc ngón chẵn (Artiodactyla), bộ gặm nhấm (Rodentie)...; các họ như: họ gấu - loài gấu tre, họ tê giác - loài Rhinocerotidae, họ voi - loài voi răng kiếm và loài voi Ấn Độ...
Đây là sưu tập mẫu cổ sinh quan trọng và lần đầu tiên được phát hiện ở Lào Cai và tỉnh này là địa phương thứ 14 phát hiện ra những hóa thạch dạng này. Cũng xin nói thêm rằng, năm 2009 khi phát hiện ra hóa thạch tại hang Mã Tuyển, một số tờ báo đã trích dẫn và đưa thông tin sai về sự có mặt của hóa thạch voi ma mút. Trong thực tế, voi ma mút chỉ sống ở vùng ôn đới, không bao giờ có ở vùng nhiệt đới như nước ta...